Chân dung Chủ tịch Samsung - tỷ phú đứng đầu gia tộc giàu nhất Hàn Quốc

Tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc, ông Lee Kun-hee là người đã đưa đế chế Samsung trở thành tập đoàn tầm cỡ thế giới, từng hai lần bị kết án tù. “Thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của anh” là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Samsung.

“Thái tử ngồi sẵn trên vai người khổng lồ” và 2 lần kết án tù

Ông Lee Kun-hee "kế vị" cơ ngơi của cha khi đã 45 tuổi. Năm 1987, thời điểm ông Lee kế nhiệm cha, tài sản của Samsung khoảng 8.000 tỉ Won, ông được coi là đã "ngồi sẵn trên vai người khổng lồ". Tuy nhiên, khi đó, các nước phương Tây chỉ biết Samsung Electronics là nhà sản xuất TV giá rẻ và lò vi sóng không mấy tên tuổi.

Dưới sự dẫn dắt tài giỏi của ông, Samsung từ một tập đoàn địa phương trở thành một tập đoàn toàn cầu, góp phần đưa Hàn Quốc từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá thành nền kinh tế thứ 12 thế giới. Đế chế Samsung trở thành một gã khổng lồ về điện thoại thông minh, ti vi và chip máy tính.

Chủ tịch Samsung cùng vợ và hai con gái. Ảnh TL

Chủ tịch Samsung cùng vợ và hai con gái

Ông Lee Kun-hee thúc đẩy công ty không ngừng vươn lên trên nấc thang công nghệ.

Năm 1990, Samsung đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ. Samsung sau đó thống trị thị trường màn hình phẳng và chinh phục thị trường di động từ trung cấp đến cao cấp. 

Samsung Electronics là một trong những công ty chi nhiều tiền nhất trên thế giới cho nghiên cứu và phát triển.

Ông hai lần bị kết tù và cả hai lần đều được ân xá. Năm 1996, ông Lee bị kết tội hối lộ Tổng thống. Năm 2008, ông Lee Kun-Hee bị kết án 3 năm tù treo và phải nộp phạt 109 triệu USD vì tội trốn thuế.

“Thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của anh”

Khi trở thành chủ tịch, ông học cha mình đưa ra định hướng chiến lược cho tương lai xa, ngay cả khi hoạt động của Samsung lúc bấy giờ vẫn tốt.

“Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi quan trọng. Nếu Samsung không chuyển sang các ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ hơn, sự sống còn của công ty có thể bị đe dọa”, ông Lee nói với Forbes ngay sau khi nhận nhiệm vụ.

Với tư duy cấp tiến, ông triệu tập các giám đốc của Samsung Electronics đến một khách sạn sang trọng ở Frankfurt vào năm 1993. Trong nhiều ngày, ông thuyết trình với các giám đốc điều hành, thúc giục họ thay đổi cách làm việc và suy nghĩ cũ.

“Thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của anh” là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Samsung.

Theo ông, Samsung sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì tăng thị phần. Điều này giúp thu hút nhân tài từ nước ngoài và đòi hỏi các giám đốc điều hành cấp cao phải hiểu sâu sắc về thị trường nước ngoài.

Cho công nhân đập vỡ điện thoại, máy fax tồn kho trị giá 50 triệu USD

Năm 1995, để nhấn mạnh vào chất lượng, ông đến thăm nhà máy Samsung ở thị trấn Gumi sau khi lô điện thoại di động bị phát hiện có lỗi. Những gì xảy ra tiếp theo đã trở thành huyền thoại.

Khi đó 2.000 công nhân nhà máy Gumi tập trung tại sân trong và buộc đeo băng đô có ghi “Chất lượng là trên hết”. Ông Lee và ban giám đốc ngồi dưới một biểu ngữ có nội dung “Chất lượng là niềm tự hào của tôi”.

Điện thoại, máy fax và hàng tồn kho trị giá 50 triệu đôla bị đập vỡ thành từng mảnh và bốc cháy. Các nhân viên khi đó đã khóc.

Năm 2007, ông Lee đã nhận ra cuộc khủng hoảng tiếp theo sắp xảy ra đối với Samsung khi Trung Quốc nổi lên trong lĩnh vực sản xuất cấp thấp, trong khi Nhật Bản và phương Tây vẫn dẫn đầu về công nghệ tiên tiến. Các công ty Hàn Quốc - bao gồm cả Samsung - bị kẹp giữa.

Chủ tịch Samsung liên tiếp bị kết án vì tội trốn thuế và hối lộ. Ảnh AP

Chủ tịch Samsung liên tiếp bị kết án vì tội trốn thuế và hối lộ

Nhưng khi ông bắt đầu lao vào cuộc đại tu tiếp đối với Samsung thì những cáo buộc trốn thuế bị nhắm vào ông Lee. Hàng tỷ đôla của ông bị cáo buộc được cất giữ trong các tài khoản bí mật. Ông khiến Hàn Quốc choáng váng khi tuyên bố từ chức trên truyền hình trực tiếp.

Sau một cơn đau tim vào năm 2014, con trai ông là Phó Chủ tịch Lee Jae-yong thay ông điều hành công ty. Ông Lee Kun-hee, Chủ tịch Samsung qua đời ở tuổi 78.

St